Tìm kiếm

Đèo Hải Vân – Thiên hạ đệ nhất hùng quan, quanh năm đỉnh đèo có mây che phủ

  • Chia sẻ:
Đèo Hải Vân – Thiên hạ đệ nhất hùng quan, quanh năm đỉnh đèo có mây che phủ

Đèo Hải Vân (còn gọi là đèo Mây vì quanh năm đỉnh đèo có mây che phủ) là con đèo chạy trên dãy núi Bạch Mã (nhánh của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển, cũng gọi là núi Hải Vân). Đèo chạy quanh co cắt ngang dãy núi, có độ dài 20km, cao trung bình 500m so với mực nước biển; là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế ở phía Bắc và TP Đà Nẵng ở phía nam.

img-2580.jpeg

Theo sử sách, trước năm 1306, vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của Vương quốc Chăm Pa. Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân cắt hai châu này làm sính lễ để cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần (con vua Trần Nhân Tông); thì con đèo này là ranh giới giữa Đại Việt và Chăm Pa. Khoảng một thế kỷ sau, dưới thời Hồ, năm 1402; vua Hồ Hán Thương sai tướng Đỗ Mãn đem quân đánh Chăm Pa, quân Chăm Pa thua và vua Chăm phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa. Kể từ đó, cả vùng đất có đèo Hải Vân mới thuộc hẳn về nước Đại Ngu (tức Việt Nam ngày nay). Hải Vân trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, như sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã chép: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc tầng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam”

img-2573.jpeg

Tới năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chăm Pa. Khi tới đèo Hải Vân, ấn tượng và xúc động trước cảnh quan hùng vĩ, vua đã cảm tác làm thơ và đặt tên nơi này là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cái tên ấy lưu truyền mãi trong dân gian về một địa danh đặc biệt trên đường thiên lý Bắc – Nam.

img-2576.jpeg

Vào thời Nguyễn, Hải Vân là ranh giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Con đường đèo trên núi cực kỳ hiểm trở, nguy hiểm khó đi, nhiều thú dữ và kẻ cướp. Trong nhiều thế kỷ, rất ít người dám qua lại nơi đây, và Hải Vân là trở ngại trong việc giao thương, giao lưu văn hóa giữa hai miền Nam Bắc. Ở phía Bắc đèo, chân núi giáp biển có hang Dơi, tương truyền có thần sóng thường nhấn chìm thuyền bè; nên dân gian có câu ca dao: “Đường bộ thì sợ Hải Vân/ Đường thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”

img-2583-1.jpeg

Vào đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp thiết lập sự thống trị ở Việt Nam, họ đã tiến hành xây dựng đường sắt qua đèo Hải Vân vào năm 1902, tới năm 1906 thì thông tuyến, nằm trong hệ thống đường sắt quốc gia khởi công từ năm 1881. Đây thực sự là một kỳ tích bởi địa thế đèo Hải Vân vô cùng hiểm trở. Đường sắt Hải Vân đi quanh co trên sườn núi, phải qua 6 hầm chui và 18 cây cầu. 

img-2582.jpeg

Tàu đi trên đèo một bên là vách núi, một bên là vực sâu và biển cả. Thời kỳ đầu ngành đường sắt sử dụng đầu máy hơi nước hay đầu máy diesel thế hệ cũ, khi tàu vượt Hải Vân phải lắp thêm đầu máy – một đầu kéo, một đầu đẩy. Tàu qua đèo Hải Vân với một tốc độ rất chậm chạp bởi đường dốc và nhiều khúc cua với bán kính rất nhỏ. Tuyến đường sắt đó vẫn tồn tại và được sử dụng cho đến ngày nay. Đi tàu vượt Hải Vân là một trải nghiệm khó quên với bất cứ ai bởi có thể ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp của con đường đèo. Hình ảnh lãng mạn của đoàn tàu hỏa vượt Hải Vân đã trở thành cảm hứng để cố nhạc sỹ Phan Lạc Hoa viết bài hát “Tàu anh qua núi” bất hủ: “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi…”

Năm 2005, hầm đường bộ xuyên núi Hải Vân được khánh thành và đưa vào sử 

img-2574-1.jpeg

dụng. Đường hầm dài 6,28km (là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á) đã rút ngắn hành trình từ 20km, giảm thời gian đáng kể và thuận lợi hơn nhiều về địa hình, an toàn so với đường bộ cũ. 

Tuy nhiên, nhiều người khi qua Hải Vân vẫn chọn đi đường bộ trên núi để thưởng ngoạn thiên nhiên và thử cảm giác mạo hiểm. 

Từ trên đỉnh đèo, vào những ngày đẹp trời có thể nhìn thấy TP Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, ở phía Nam hay biển Lăng Cô ở phía Bắc.

 



 

Hải Mây

Hải Mây